Cẩm Nang Thời Trang

Khám phá thế giới sặc sỡ của vải thổ cẩm Việt Nam

Vải thổ cẩm là nét đẹp đặc trưng trong trang phục của một số dân tộc thiểu số tại nước ta. Mỗi dân tộc mang trên mình nét đặc trưng riêng biệt trên hoa văn của vải thổ cẩm. Không chỉ là trang phục họ mặc hàng ngày, đây còn là niềm tự hào dành cho bản sắc, văn hóa của dân tộc. Trong bài viết hôm nay, Aaa jeans sẽ cùng bạn khám phá về thổ cẩm, loại vải chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lâu đời.

Nội dung
1. Vải thổ cẩm là gì?
2. Đặc điểm của thổ cẩm
3. Nét đẹp sặc sỡ trên thổ cẩm và ý nghĩa đằng sau
4. Vì sao thổ cẩm rất có giá trị?
5. Nét đặc trưng trong cách dệt thổ cẩm của một số dân tộc đồng bào

Vải thổ cẩm là gì?

Vải thổ cẩm được làm từ những loại sợi tự nhiên, như sợi của cây lanh, sợi vải từ cây gai hay từ cây bông vải. Để tạo ra thổ cẩm, người thợ lành nghề phải tự làm bằng tay, làm thủ công hoàn toàn tất cả các công đoạn để tạo nên tấm thổ cẩm đẹp và tinh tế nhất. Các hoa văn trên thổ cẩm thì mang nét đặc trưng riêng cho từng vùng miền, dân tộc trên đất nước ta.

Đặc điểm của vải thổ cẩm

Các hoa văn trên thổ cẩm không phải được thêu bằng tay mà được dệt từ các sợi vải đã nhuộm màu và tạo thành hoa văn nhất định. Loại vải này được ứng dụng để may trang phục cũng như một số phụ kiện như khăn đội đầu, túi đeo hay thậm chí là chăn, gối.

Một số dân tộc ở vùng tây bắc nước ta như Mông, Dao, Thái đã dạy con gái của họ cách dệt nên một tấm thổ cẩm ngay từ khi bước sang tuổi vị thành niên. Các tấm thổ cẩm được nhiều gia đình sử dụng như của hồi môn dành cho con gái khi về nhà chồng.

Nét đẹp sặc sỡ trên vải thổ cẩm và ý nghĩa đằng sau

Vải thổ cẩm được dệt với nhiều màu sắc, chủ yếu là các gam màu nóng như đỏ, vàng, xanh,… tạo nên những hoa văn đặc trưng. Thổ cẩm là sự tổng hợp của núi rừng, giống như một bản hòa ca của tự nhiên. Một tấm thổ cẩm được tạo nên từ rất nhiều nguyên liệu của thiên nhiên. Từ đó tạo nên những màu sắc sặc sỡ, cuốn hút mà không có loại màu công nghiệp nào có được.

  • Màu đỏ: Được lấy từ màu của vỏ cây Krung. Họ đun vỏ cây Krung lên để thu được màu đỏ nhuộm vải.
  • Màu vàng: được làm từ củ nghệ, nhuộm trong nước nghệ
  • Màu tím: có thể nhuộm từ hai nguyên liệu là củ dền và bắp cải tím
  • Màu đen: được nhuộm trong hỗn hợp lá cây chùm bầu và bùn non
  • Màu xanh hoặc đỏ thẫm: nhuộm từ màu của các loại vỏ cây được đun lên
  • Màu xanh: được tạo ra khá kỳ công. Vỏ ốc suối được ngâm trong vôi. Sau đó ngâm tiếp tục với lá chàm để tạo ra màu xanh ưng ý. Không thể nhầm lẫn với các loại màu công nghiệp
  • Màu đỏ nâu: vỏ cây sủi được ngâm trong giấm. Sau đó đun sôi trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Khi ngâm sợi vải vào nước sau khi đun, cần thêm phèn để tạo được màu nâu đỏ ưng ý.

Vì sao vải thổ cẩm rất có giá trị?

Một tấm thổ cẩm đạt chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mẩn. Từ khâu nguyên liệu để tìm ra những thân cây lanh, gai hay cây bông dẻo dai, đạt chất lượng. Đến khâu nhuộm vải với công đoạn tạo màu rất mất thời gian.

Đặc biệt, mỗi tấm thổ cẩm đều mang hoa văn đặc trưng. Vì được làm thủ công hoàn toàn nên mỗi tấm vải đều là một bản thể riêng biệt, không tấm nào giống tấm nào. Ngoài ra, giá trị của thổ cẩm còn mang trên mình giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.

Nét đặc trưng trong cách dệt vải thổ cẩm của một số dân tộc đồng bào

  • Người Chăm: Màu sắc chủ đạo trên thổ cẩm của người chăm là màu đỏ, vàng sẫm. Các hoa văn trên vải chủ yếu là các họa tiết hình học
  • Người Thái: thổ cẩm của dân tộc Thái ở vùng núi Tây bắc tuân theo triết lý âm dương ngũ hành. Chính vì vậy, màu sắc trên vải rất sặc sỡ, tổng hòa các yếu tố có trong tự nhiên như: màu trắng, đỏ, xanh, hồng, vàng, tím,…Các hoa văn thường được dệt đối xứng nhau, tạo nên sự cân bằng.
  • Người Lô Lô: kỹ thuật được người Lô Lô sử dụng khi dệt thổ cẩm là kỹ thuật chắp vá. Hoa văn được dệt trên nền vải đen
  • Người Tày: họa tiết chủ đạo trên tấm thổ cẩm của người Nùng là những hình thoi đầy màu sắc được dệt trên nền vải trắng.
  • Người Dao: vải thổ cẩm của người Dao chủ yếu là màu đỏ sẫm. Hoa văn được thêu theo khối vuông trên nền vải đen
  • Người Nùng: Thổ cẩm của người Nùng thì phần cổ tay được thuê hoa văn khác với phần thân áo. Họ thường mặc trang phục được thêu sặc sỡ giống các dân tộc lân cận.
  • Người H’Mông: vải thổ cẩm của người H’mông chủ yếu có hình các hoa văn sặc sỡ được thêu theo dạng hình chữ nhật, hình thoi hay hình tam giác.

Vải thổ cẩm là nét đặc sắc riêng có của các dân tộc ít người tại nước ta. Gìn giữ nét đẹp đặc trưng, nguyên bản của thổ cẩm là cách hay để giữ gìn nét đẹp và bản sắc dân tộc Việt.

 

Bình Luận