4.1 Phân loại cotton theo chất lượng sợi
Trả lời cho câu hỏi vải cotton là gì? Thì đơn giản nhất vải cotton là vải được làm từ sợi cotton, câu hỏi chúng ta cần tìm hiểu ở đây chính là cotton là gì hay sợi cotton là gì? Hiện nay có khá nhiều cách hiểu chưa thật sự đúng về cotton. Aaa Jeans muốn thông qua bài viết này cung cấp thông tin hữu ích hơn cho bạn đọc và giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về cotton.
Cotton hay còn gọi là sợi bông, là một loại sợi tự nhiên với thành phần chính là cenlulo. Sợi bông được lấy từ quả của cây bông và đây là nguyên liệu chính để sản xuất vải cotton.
Đặc điểm của Cotton?
Bông có một số đặc điểm đặc biệt khiến nó trở thành một trong những loại sợi phổ biến nhất trong ngành dệt may.
- Độ mềm: Sợi bông được lấy từ quả của cây bông có tính chất mềm và mịn. Do đó vải thường giữ được cảm giác mềm mại đó.
- Độ bền: Cấu trúc tế bào của cây bông rất mạnh, tạo ra một loại vải dai và chống mài mòn.
- Khả năng thấm hút: Vải cotton là loại vải rất thấm hút vì có nhiều khoảng trống giữa các sợi bông.
- Giữ thuốc nhuộm tốt: Do tính chất thấm hút của nó, bông rất dễ dàng thấm và lưu giữ thuốc nhuộm và có thể tạo thành nhiều màu khác nhau.
- Khả năng thoáng khí (breathable): Cấu trúc sợi của cotton giúp nó thoáng khí hơn so với sợi tổng hợp. Quần áo làm từ vải cotton cho cảm giác thoáng hơn so với quần áo chứa nhiều sợi poly.
- Không bị từ tính: Bông không dẫn điện, không bị từ tính từ đó ít bắt bụi hơn.
Công dụng phổ biến của cotton
Cotton được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ngoài công dụng chính để làm vải phục vụ cho ngành may mặc, cotton còn được sử dụng để làm khăn tắm, ga trải giường, bọc ghế nội thất…
Dệt vải
Bông được sử dụng để làm nhiều loại vải dệt khác nhau, bao gồm canvas, denim, gấm hoa, vải flannel, v.v.
Quần áo
Bông là nguyên liệu quan trọng của ngành dệt may do được sản xuất hàng loạt, tạo cảm giác mềm mại, độ bền cao và và có khả năng thấm hút. Cotton thường được sử dụng cho áo phông, quần jean, váy, áo tập, v.v.
Khăn trải giường và khăn tắm.
Vì bông cực kỳ mềm mại và thấm hút nên nó trở thành một loại vải lý tưởng cho các bộ ga trải giường phòng ngủ và khăn tắm.
Đồ lót.
Vì những lý do tương tự, cotton làm áo lót thoải mái và bền.
Trang trí nhà.
Bông cũng được sử dụng trong nhà để bọc ghế, rèm cửa, thảm, gối.
Dầu hạt bông vải.
Hạt bông vải là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bông. Hạt được sử dụng để sản xuất dầu hạt bông vải, được sử dụng để trộn salad và bơ thực vật. Nó cũng có thể được sử dụng trong trang điểm, xà phòng, nến và nhiều ứng dụng khác.
-
Nguồn gốc và Lịch sử của cotton
Bông có lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về nguồn gốc và sự phát triển của bông trong phần viết này.
Trước Công Nguyên
Cotton xuất hiện từ năm 5000 trước Công Nguyên và tới năm 3000 trước CN thì bông được trồng ở vùng thung lũng sông Indus (Pakistan ngày nay). Sau đó cotton tiếp tục được trồng ở các nền văn minh khác như Trung Hoa cổ đại, Ai Cập và Nam Mỹ tuy nhiên trong khoản thời gian này thì bông vẫn là hàng hóa đắt đỏ vì khan hiếm.
Sau Công Nguyên
Vì tính ưu việt của mình, cotton được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhiều hơn. Bước ngoặt cho sự phát triển cotton tới từ khoảng năm 1500, khi Christopher Columbus tìm thấy giống bông phổ biến nhất thế giới là Gossypium ở Bahamas. Tiếp đó là sự ra đời của vải denim ở vùng Nimes nước Pháp. Và sau đó ít lâu là sự ra đời của jeans càng khiến cho cotton được phổ biến hơn.
Cotton tiếp tục được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Tuy nhiên phải tới thế kỷ 18 thì sự phổ biến của cotton mới có bước đột phá khi cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện.
1600s
Những năm 1600 – Công ty Đông Ấn mang các loại vải bông quý hiếm đến Châu Âu từ Ấn Độ. Bông được sản xuất lần đầu tiên ở các vùng của Hoa Kỳ ngày nay.
1641
Nhà máy kéo sợi bông đầu tiên mở tại Manchester, Vương quốc Anh, đánh dấu sự khởi đầu thực sự của ngành công nghiệp bông sợi của Châu Âu.
1700 – 1800
Những năm 1700 – Ngành công nghiệp bông trên thế giới phát triển vượt bậc khi Anh giành được các thuộc địa thích hợp cho việc trồng bông. Đồng thời những cải tiến về máy móc dệt cho phép kéo sợi chắc và năng suất hơn. Bông bắt đầu thay thế lanh và len, trở thành loại vải phổ biến nhất của người Châu Âu.
Những năm 1760 – Anh vượt Ấn Độ trở thành nhà chế biến bông lớn nhất thế giới do kết quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp.
1793 – Eli Whitney người Mỹ được cấp bằng sáng chế cho công nghệ tách bông nhanh hơn 50 lần so với phương pháp thủ công truyền thống. Cùng với đó là sự ra đời của thuốc nhuộm công nghiệp rẻ, giống bông Gossypium hirs trở thành giống bông phổ biến nhất.
Đầu những năm 1800 – Các bang miền Nam của Hoa Kỳ trở thành nhà xuất khẩu bông lớn nhất thế giới cho các nhà máy dệt đang phát triển mạnh của Anh.
Những năm 1900
Những năm 1920 – Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa lượng sản lượng bông của thế giới.
Những năm 1940 – Sự phổ biến của denim trở nên mạnh mẽ hơn khi jeans chuyển từ quần áo cho công nhân sang trang phục hàng ngày cho công chúng nói chung và thanh niên nói riêng.
Đầu những năm 1980 – Hầu hết các giống bông bản địa, có màu được trồng ở Châu Phi, Châu Á, Trung và Nam Mỹ được thay thế bằng các giống thương mại toàn màu trắng.
2009 – Tổ chức BCI (Better Cotton Initiative) được thành lập. Đây là tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn tốt hơn trong canh tác và thực hành trồng bông trên 21 quốc gia. Vải được sử dụng trong các sản phẩm quần jean của Aaa Jeans đều đạt tiêu chuẩn này.
Các loại vải được dùng để sản xuất quần áo chúng ta mặc hàng ngày được sản xuất thông qua 2 công đoạn chính. Đó là quá trình kéo sợi và quá trình dệt vải. Kéo sợi là quá trình biến bông thô trở thành sợi còn dệt vải là quá trình sợi được dệt thành vải. Trong phần viết này Aaa Jeans sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về cả hai quá trình này.
3.1 Quá Trình Kéo Sợi
Quá Trình Trộn Và Thổi
Để bắt đầu quá trình kéo sợi, sợi bông nén (bông thô được đóng thành từng kiện) được chuyển đến nhà máy được tháo ra bằng máy trộn và thổi. Sau đó, bông thô được làm sạch bằng cách loại bỏ các chất như lá, hạt hoặc cát bám vào nó. Sau bước này thì bông thô sẽ có dạng tấm.
Chải bông thô (Carding)
Các tấm bông từ quá trình trộn và thổi ở trên sẽ được chải sử dụng máy chải. Việc này nhằm mục đích loại bỏ các hạt bụi nhỏ hơn và loại bỏ những sợi bông ngắn không đạt chất lượng. Các sợi bông dài đủ chuẩn còn lại sẽ được sắp xếp gần như thẳng hàng và song song nhau để chuẩn bị cho bước tiếp theo là tạo sợi thô (carded sliver).
Tạo Sợi Thô
Bông sau khi được chải thô sẽ được đưa vào khung tạo sợi để tạo sợi thô. Tùy thuộc vào quy trình và công nghệ của từng nhà máy mà cách sắp xếp sợi thô sẽ khác nhau. Nhìn chung sợi thô có kết cấu lỏng lẻo và đặc sắp xếp theo trật tự để phục vụ cho bước tiếp theo.
Chải tinh (Combing)
Sau khi bông được chải thô để loại bỏ tạp chất và sợi ngắn và tạo hình, tại bước này bông sẽ được chải một lần nữa để loại bỏ thêm các sợi ngắn và tạp chất còn sót lại trong quá trình chải thô. Sợi bông lúc này được sắp xếp thẳng hàng và song song với nhau.
Kéo sợi (Drawing)
Sợi bông sau khi được chải kỹ sẽ được đưa vào máy kéo sợi để duỗi thẳng sợi và làm sợi có kích thước đồng đều. Quá trình này làm các sợi bông thô trở thành sợi nhỏ hơn.
Roving
Sợi sau khi được kéo vẫn chưa đủ mảnh để xe sợi, do vậy các nhà máy có thể 1 bước nữa là tiếp tục kéo và làm mảnh sợi thông qua máy kéo sợi thô (roving machine). Sợi sau quá trình này trở thành sợi tinh và được cuốn vào ống sợi. Sợi lúc này vẫn còn là dạng thô và chưa phải thành phẩm.
Xe Sợi (Spinning)
Đây có thể được coi là bước quan trọng cuối cùng trong quá trình làm sợi. Phụ thuộc vào yêu cầu về độ dày mảnh của sợi đầu ra, ở quá trình này sợi sẽ được kéo dài và làm xoắn theo yêu cầu của nhà sản xuất để cuốn vào ống chỉ. Đối với 1 số nhà máy thì đây có thể là công đoạn cuối cùng. Còn ở 1 số nhà máy chuyên kinh doanh sợi thì sẽ có thêm 1 bước là chuyển sợi từ ống chỉ qua ống chỉ rời để vận chuyển tới các nơi khác.
3.2 Quá Trình Dệt Vải
Trong quá trình dệt vải, sợi dọc và sợi ngang được đan chéo với nhau để dệt ra vải theo yêu cầu của nhà sản xuất. Đầu tiên, sợi dọc và sợi ngang được chuẩn bị để được đặt vào khung dệt của máy dệt.
Định Hình Sợi/Warping
Sợi từ các cuộn sợi được đặt làm sợi dọc và được kéo căng trong máy dệt. Chiều dài của các sợi dọc này được xác định trước tùy thuộc vào yêu cầu của bên sản xuất.
Hồ sợi
Hồ sợi là quá trình phủ thêm một lớp bảo vệ bên ngoài sợi nhằm mục đích bảo vệ sợi trong quá trình dệt vải. Sợi được hồ cứng hơn, không bị sờn và cũng dễ hơn khi dệt.
Dệt vải
Sợi sau khi được đặt vào máy dệt sẽ được dệt tùy theo yêu cầu của nhà máy.
Kiểm tra chất lượng
Thành phẩm của quá trình này chính là vải. Vải sẽ được kiểm định và chấm điểm sau đó được đóng gói và đưa vào kho thành phẩm. Tùy theo tính chất của vải mà quy cách đóng gói khác nhau. Đối với vải may quần áo nói chung thì vải được cuốn thành từng cuộn do việc này vừa dễ làm đối với các bên sản xuất và cũng dễ trải vải hơn cho các bên gia công may mặc.
Trong phần này chúng ta sẽ phân biệt rõ ràng các loại cotton (sợi) và các loại vải cotton.
4.1 Phân loại cotton theo chất lượng sợi
Cotton sợi ngắn (Short-staple cotton)
Đây là loại cotton phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng rất rộng rãi. Giống như tên gọi thì cotton sợi ngắn có phần sợi của quả bông khá ngắn, độ dài sợi khoảng 2.8-3cm. Loại bông này được trồng nhiều ở Mỹ. Cotton sợi ngắn có đặc điểm mềm, dễ bảo quản nên được sử dụng nhiều trong may mặc như các sản phẩm vải denim và vải flannel.
Cotton sợi dài (Long-staple cotton)
Cotton sợi dài ít phổ biến hơn, có chất lượng cao hơn và giá thành cũng mắc hơn so với cotton sợi ngắn. Cotton sợi dài có độ dài khoảng 5cm; gần gấp 2 lần so với cotton sợi ngắn. Cotton sợi dài được sử dụng để sản xuất các loại vải mỏng và mềm hơn như các loại lụa hay ga giường, khăn mặt. Cotton sợi dài có đặc điểm là ít xù hơn so với cotton sợi ngắn.
Cotton sơi siêu dài (Extra-long-staple cotton)
Đây là loại cotton chất lượng nhất với chiều dài của sợi bông dài hơn 5 cm, dù không dài hơn quá nhiều so với loại cotton sợi dài nhưng cotton siêu dài lại đắt đỏ hơn nhiều do hiếm hơn. Cotton sợi siêu dài nổi tiếng nhất là 2 loại cotton Ai Cập và Cotton Pima. Lý do khiến cho loại cotton này hiếm và đắt đỏ do chỉ có 1 số vùng địa lý mới trồng được. Cây cotton này đòi hỏi sự chăm sóc khắt khe nhưng năng suất lại không cao.
4.2 Phân loại vải cotton
Cotton là một trong những nguyên liệu phổ biến nhất thế giới được sử dụng để làm vải, do đó vải cotton cũng hết sức đa dạng. Trong phần này thì Aaa Jeans chỉ xin giới thiệu một số vải cotton phổ biến nhất.
Vải Cotton USA – Cotton Mỹ
Cotton USA hay còn gọi là Cotton Upland là cotton có sợi ngắn được trồng phổ biến do năng suất cao, thời gian canh tác ngắn và không yêu cầu những điều kiện canh tác quá khó khăn. Đây là loại cotton phổ biến nhất thế giới. Ngày nay Cotton USA được trồng trên khắp thế giới chứ không chỉ được trồng trong biên giới nước Mỹ. Cotton USA chiếm tới 90% bông trên toàn thế giới. Do được trồng ở nhiều nơi nên chất lượng cotton USA sẽ khác nhau phụ thuộc vào điều kiện canh tác và khu vực trồng.
Bông chần – Quilting Cotton
Bông chần còn được gọi là bông thủ công (craft cottons, patchwork cotton) – là loại bông dệt trơn đơn giản có trọng lượng nhẹ đến trung bình. Loại vải cotton này ban đầu được sử dụng để làm ga giường hay rèm cửa và khá nặng. Theo thời gian thì các nhà sản xuất tạo ra nhiều loại vải bông chần với trọng lượng nhẹ hơn, phù hợp để làm cả quần áo. Nên ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp nhiều loại quần áo được làm từ chất liệu này.
Bông chải
Bông chải đôi khi được gọi là vải flannel. Vải bông chải có trọng lượng trung bình và điểm khác biệt của loại vải này nằm ở bề mặt. Bề mặt vải được chải khiến sợi xù lên tạo cảm giác mềm và êm. Brushed cotton hay bông chải được bắt gặp phổ biến ở các mẫu áo sơ mi dài tay, các mẫu sơ mi in họa tiết hay mặt trong của áo khoác.
Pima Cotton – Bông Pima
Đây được coi là một trong những loại bông cao cấp nhất. Bông pima có sợi dài hơn bông thường. Vải được làm từ bông pima có đặc điểm là mịn và mềm. Ngoài ra chất vải này còn ít xù, ít nhăn và rất bền. Do giá thành đắt đỏ nên bông Pima chủ yếu được sử dụng để may quần áo, ga trải giường hay đồ lót cao cấp.
Egyptian Cotton – Bông Ai Cập
Cũng giống như bông Pima, Bông Ai Cập được biết đến là một trong những loại vải cotton chất lượng cao nhất. Thật sự rất khó để phân biệt được 2 loại cotton bằng mắt thường hay cảm nhận. Sự khác biệt chủ yếu đến từ nguồn gốc xuất xứ. Pima cotton được trồng chủ yếu ở Nam Mỹ còn bông Ai Cập thì giống như tên gọi có xuất xứ từ Ai Cập.
Vải cotton chéo – Cotton Twill
Cotton dệt chéo là một trong những loại vải cotton phổ biến nhất. Cách dệt chéo này áp dụng cho hầu hết các sợi như cotton, lanh hay polyester. Một trong những loại vải phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất của vải cottonc dệt chéo là vải denim. Đây là chất liệu chính để tạo nên quần jeans.
Organic cotton – Bông hữu cơ
Vải bông hữu cơ được làm từ 100% sợi bông hữu cơ, là sợi bông thân thiện với môi trường. Bông hữu cơ được thu hoạch từ các trang trại bông không sử dụng hóa chất. Chúng được trồng và chăm sóc mà không dùng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nào. Thêm vào đó, quá trình sản xuất sợi bông từ bông nguyên liệu cũng không có bất kỳ sợi tổng hợp nào được thêm vào. Thành phần sợi là 100% cotton. Do cách thức canh tác hoàn toàn tự nhiên nên organic cotton hay bông tự nhiên có giá thành cao hơn so với sợi bông thông thường.
Vải cotton len (bông len)
Vải cotton len hay còn gọi là vải bông len là một loại vải có thành phần chính là cotton và len. Cả hai loại sợi này đều có nguồn gốc tự nhiên. Nếu như cotton có nguồn gốc từ thực vật thì len lại có nguồn gốc từ động vật. Đa phần len có nguồn gốc từ lông cừu. Vải bông len là loại vải kết hợp 2 loại sợi tự nhiên phổ biến nhất. Vải bông len có sự thoải mái của bông với khả năng đàn hồi, thoáng khí hút mồ hôi và sự dẻo dai bền chắc của sợi len. Vải cotton len có thể mặc quanh năm. Do có giá thành khá cao nên cotton len thường được sử dụng để làm quần áo cao cấp. Len hiện tại khá phổ biến và giá không quá cao. Nhưng sợi len được sử dụng để pha cùng cotton đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, do đó giá thành cao hơn so với len thông thường.
Vải cotton Poplin
Poplin thực tế không phải là thành phần của vải, cũng giống như Satin, Poplin là một kiểu dệt. Vải poplin có thể được dệt từ cotton, polyester hay lanh… Vải poplin được dệt từ cotton sẽ có tên gọi là poplin cotton. Vải poplin cotton thường có trọng lượng trung bình với mật độ sợi dày và dễ gia công khi may. Vải poplin cotton thường được sử dụng để sản xuất áo cánh, váy và áo sơ mi.
Vải cotton lanh
Vải lanh là vải được làm từ sợi của cây lanh, đây cũng là một loại sợi tự nhiên giống như sợi cotton. Vải cotton lanh là vải có thành phần gồm cotton và lanh với tỷ lệ pha phổ biến ở mức 50-50. Vải lanh pha cotton rất mềm mại và có trọng lượng nhẹ đến trung bình. Loại vải này vẫn giữ được vẻ ngoài cùng cảm giác mềm mượt của vải lanh nhưng có kết cấu sợ chắc chắn hơn và ít bị nhàu hơn so với vải lanh thông thường. Vải cotton lanh được sử dụng để làm quần, váy, ga trải giường…
Vải Cotton Lụa
Cotton lụa là vải có chứa thành phần gồm sợi cotton và lụa. Nếu xét về độ mảnh, mềm, mát thì sợi cotton không so được với lụa. Đó là lý do các nhà sản xuất kết hợp hai loại sợi này để tạo nên một loại vải có được ưu điểm của cả 2. Cotton lụa thường có thành phần lụa khoảng 10%, một tỷ lệ đủ để giá thành không quá đắt đỏ mà vẫn mang được ưu điểm của lụa là nhẹ, mềm và bóng mượt. Cotton lụa thường được sử dụng để làm đầm body hay các loại áo sơ mi.
Vải Voan – Voile
Vải voan rất quen thuộc với chị em phụ nữ bởi chất vải mỏng, nhẹ nhàng, nữ tính được dùng để làm khăn hay mạng che mặt hay các mẫu áo kiểu điệu đà. Voile là một từ tiếng Pháp với ý nghĩa là mạng che mặt. Thành phần của vải voan có thể là 100% cotton hoặc cotton pha với polyester.
Poly Cotton
Poly cotton là vải có thành phần là cotton kết hợp với polyester với tỷ lệ thường là 50-50. Do đặc tính của sợ poly nên vải poly cotton sẽ có các đặc điểm là trơn, bền màu, nhẹ. Tùy vào chất lượng của sợi poly mà vải poly cotton có thể có thêm các tính năng như chống nhăn, làm mát… Tuy nhiên điểm hạn chế của vải poly cotton là thiếu sự thoáng khí và hơi nóng đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm thì chất liệu này không phải là lựa chọn tốt. Vải poly cotton rất phổ biến với nhiều tỷ lệ pha trộn khác nhau chứ không nhất thiết phải là 50-50.
Vải TC – Vải Ti Xi
Vải TC là gì là một câu hỏi cũng nhiều bạn đọc thắc mắc. Vải TC thực chất là cũng là vải poly cotton trong đó thành phần chính gồm 35% cotton và 65% polyester. Vải TC, còn có tên gọi là vải Ti Xi do cách phát âm tiếng Anh của 2 chữ cái TC hay còn được gọi là vải cotton 35. Vậy vì sao thành phần là polyester-cotton mà tên gọi lại là TC? TC là viết tắt của Tetoron Cotton trong đó Tetoron có nghĩa là polyester trong tiếng Nhật. Một số nhà sản xuất vải vẫn ghi tắt thành phần vải là “T” để chỉ thành phần polyester trong vải.
Vải Denim
Vải denim có thể nói là một trong những loại vải phổ biến nhất được làm từ sợi bông. Denim là vải để sản xuất quần jeans, loại trang phục phổ biến nhất giới. Vải denim rất đa dạng về thành phần, nhưng thường là 100% cotton đối với denim không thun giãn và khoảng trên 70% là cotton đối với denim thun giãn.
Hình ảnh hanger vải denim có thành phần polyester được viết tắt là T
Vải CVC
Tương tự như vải TC thì cũng có nhiều bạn đọc muốn biết vải CVC là gì?
CVC là viết tắt của Chief Value Cotton hay tạm dịch nghĩa là vải có thành phần chính là cotton. CVC cũng là 1 dạng của poly cotton trong đó cotton chiếm thành chủ đạo. Vải được coi là CVC khi nó chứa khoảng 55-80% là cotton. Ở thị trường Việt Nam thì vải CVC thường chứa khoảng 65% cotton và đôi khi còn được gọi là cotton 65. Vải CVC được sử dụng để may quần áo các loại và có giá thành cao hơn so với vải TC.
Dưới đây là một số tips cho bạn để chăm sóc quần áo làm từ vải cotton. Nhìn chung quần áo làm từ vải cotton thuộc dạng dễ “chăm sóc” nhất, đa phần chúng ta chỉ cần ném vào máy giặt là xong. Tuy nhiên dưới đây là một số lưu ý mà bạn nên biết để quần áo cotton bền đẹp hơn:
- Quần áo làm từ vải cotton có thể được giặt bằng máy hoặc giặt khô
- Xử lý trước mọi vết bẩn trước khi giặt.
- Giặt các màu giống nhau để tránh phai màu. Màu đậm hơn nên được giặt bằng nước lạnh, trong khi màu sáng hơn có thể được giặt theo chu trình ấm hoặc lạnh.
- Có thể dùng thuốc tẩy trên bông.
- Vải cotton có xu hướng co lại, vì vậy nếu bạn may bằng vải cotton, hãy nhớ giặt trước vải của bạn.
- Quần áo cotton có thể được phơi khô hoặc sấy khô. Lưu ý rằng vải cotton dễ bị nhăn và co lại, vì vậy nếu hãy giũ cho phẳng áo trước khi phơi hoặc nếu bạn dùng máy sấy quần áo thì lấy ra khỏi máy sấy ngay sau khi sấy xong để tránh bị nhăn.