May quần jean là một công đoạn quan trọng trong ngành sản xuất quần jean. Trong bài trước chúng tôi đã giới thiệu với các bạn chi tiết các bước trong quá trình xử lý sợi và dệt vải. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về các công đoạn trong quá trình cắt may quần jean.
1. Lên mẫu và chuẩn bị
Đây có thể nói là bước quan trọng nhất trong việc cắt may quần jean. Công việc này đòi hỏi người thiết kế phải có nhiều năm kinh nghiệm. Mỗi lần cần sản xuất mẫu mới, người thiết kế phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để có thể cho ra được một mẫu ưng ý.
Việc lên mẫu chính là việc thiết kế từng bộ phận của mỗi chiếc quần jean, đo đạc tính toán chính xác kích thước của mỗi phần để phục vụ cho việc cắt.
Thử form quần jean
Sau khi hoàn thành bản thiết kế sơ bộ của từng phần, nhà thiết kế sẽ cắt vải và may để thử form quần. Sau đó người thiết kế sẽ điều chỉnh kích thước các phần nếu cần thiết, mỗi lần điều chỉnh kích thước là mỗi lần nhà thiết kế phải may thử một chiếc quần. Sau khi công việc thử form hoàn tất, nhà sản xuất sẽ tiến hành thử vải.
Thử vải
Đối với bất kỳ mẫu vải nào, các nhà sản xuất đều phải trải qua quá trình thử vải. Việc thử vải để xác định mức độ co rút của vải sau khi wash. Từ đó các nhà sản xuất tính toán để cắt vải để sao cho sau khi wash, chiếc quần co rút lại đúng kích thước mong muốn. Thông thường để thử vải, nhà thiết kế sẽ cắt một mẫu quần bằng tay, sau đó quần được may và wash để xác định các thông số.
2. Lên sơ đồ cắt vải và may
Cắt vải
Trong quá trình may quần jean, việc cắt vải có thể được coi là bước quan trọng thứ hai chỉ sau phần thiết kế. Trong ngành công nghiệp sản xuất quần jean, vải denim được cắt công nghiệp, mỗi lần khoảng 50-100 lớp. Do vậy chỉ cần một sai sót nhỏ trong khâu cắt vải có thể khiến toàn bộ lô quần phải bỏ đi mà không thể hoàn thiện được.
Để cắt vải denim người ta trải vải lên một mặt phẳng lớn, các lớp vải được xếp chồng lên nhau và phải phẳng tuyệt đối.
Dựa vào sơ đồ cắt, vải sẽ được cắt thành từng phần nhỏ tương ứng với mỗi phần của chiếc quần jean. Phụ thuộc vào quy trình của từng nhà sản xuất, từng phần của chiếc quần sẽ được đánh số hoặc ký hiệu và được chuyển tới bộ phận may tương ứng.
May
Gần như tất cả các nhà sản xuất quần jean đều thực hiện may quần jean theo dây chuyền. Tại đây, các bộ phận của quần jean sẽ được ráp lại với nhau tạo thành một chiếc quần hoàn chỉnh.
Các nhà sản xuất quần jean có thể có các quy trình may khác nhau trong đó các bộ phận của quần jean sẽ được may theo thứ tự nhất định. Dưới đây là một ví dụ về quy trình may quần jean.
Chuẩn bị các bộ phận
- May mắt xăng (đai quần – đỉa quần)
Mắt xăng là phần khá dễ may ở quần jean đặc biệt với sự giúp đỡ của máy may chuyên dụng.
- May túi trước và túi đồng hồ
Túi trước và vải lót sẽ được may cùng nhau, túi đồng hồ cũng được may lên phần túi trước để chờ ráp vào quần.
- May hoặc đánh dấu mắt khuy và chỗ đóng nút.
Nhiều nhà sản xuất chỉ đánh dấu chỗ may mắt khuy, sau khi quần được wash xong thì mới may mắt khuy để tránh việc mắt khuy bị ảnh hưởng trong quá trình wash.
Ráp thân trước
- May túi quần trước của quần jean vào thân quần. Thông thường các nhà sản xuất dùng máy hai kim để tạo thành hai đường chỉ song song. Nếu nhà sản xuất sử dụng máy một kim thì phải may hai lần.
- May khóa quần: Khóa quần được may trực tiếp vào phần thân phía trước quần.
- May đũng trước: Sau khi túi trước, khóa quần được hoàn thành thì việc cuối cùng của phần thân trước quần là may đáy (đũng) quần.
Ráp thân sau
Việc ráp thân sau của quần jean đơn giản hơn so với việc may phần thân trước
- May đường ngang dưới lưng quần hay còn gọi là đề cúp
- May túi sau
- May đũng sau
Hoàn thiện công đoạn may quần jean
Sau khi phần thân trước và phần thân sau hoàn thiện, công việc tiếp theo là ráp hai phần lại với nhau và “đánh bọ”. Để giúp cho chiếc quần jean bền hơn, các nhà sản xuất đánh bọ tại một số điểm nối của các phần như phần túi sau, khóa kéo hay mắt xăng quần. Ngoài việc giúp chiếc quần thêm chắc chắn, việc đánh bọ còn tăng tính thẩm mỹ cho những chiếc quần jean.
Các bài liên quan
Quá trình sản xuất sợi và dệt vải